CHIêU TRò THAO TúNG TâM Lý TRONG "Bí KíP LừA đảO QUA MạNG"

Trên các "chợ đen" Internet, kịch bản chi tiết hướng dẫn kẻ gian cách tiếp cận, nói chuyện với con mồi để lừa đảo qua mạng đang được bán tràn lan.

Chiêu trò cũ vẫn lừa nhiều người mới

Gần đây, những vụ lừa đảo qua mạng đang ngày càng trở nên tinh vi vào táo bạo hơn. Đầu tháng 5.2024, Công an TP Hà Nội cho biết, cơ quan này đang xác minh vụ một người phụ nữ bị lừa đảo chiếm đoạt 15 tỉ đồng.

Theo đó, người phụ nữ này đã được một đối tượng tự xưng là cán bộ công an gọi điện và nói căn cước công dân của bà có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền. Nếu bà không chứng minh được mình không liên quan thì vài ngày nữa sẽ bị bắt.

Do lo sợ nên nạn nhân đã chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng để xác minh. Tổng cộng, nạn nhân đã thực hiện 32 lần chuyển khoản với tổng số tiền là 15 tỉ đồng.

Những kịch bản lừa đảo như trên đã không còn quá xa lạ, nhưng dường như chúng vẫn hoạt động hiệu quả với một số đối tượng nhất định.

Trao đổi với Lao Động, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (nhà đồng sáng lập Cypeace và Chongluadao.vn) cho biết, những vụ lừa đảo qua mạng hầu hết là sử dụng các thủ đoạn để thao túng tâm lý nạn nhân, từ đó khiến họ tin tưởng và cung cấp thông tin mà kẻ xấu nhắm tới, có thể là tài khoản ngân hàng, tài khoản Facebook...

Thao túng tâm lý con mồi

Chuyên gia Ngô Minh Hiếu cho biết, nhiều kẻ gian không "tự thân vận động" mà đi mua lại kịch bản lừa đảo đang được rao bán trên mạng. Những kịch bản này được xây dựng chi tiết, hướng dẫn kẻ gian cách tiếp cận, nói chuyện để gây dựng lòng tin của nạn nhân, từ đó tìm cách để chiếm đoạt thông tin cần thiết.

Trong các kịch bản này, kẻ gian đã xây dựng nhiều tình huống khác nhau để giúp người mua dễ dàng chiếm niềm tin của "con mồi".

Từ "quy trình gài khách vào thế và giải thích về app" tới "tài liệu nâng cao cho chủ quản app". Thậm chí, trong một số kịch bản, thông tin được xây dựng một cách khoa học để cung cấp hiểu biết cho kẻ lừa đảo, từ đó có đủ tự tin để nói chuyện với nạn nhân của mình.

Không chỉ vậy, những thủ thuật nhằm tránh né sự kiểm tra, nghi ngờ của nạn nhân cũng được vạch ra một cách rõ ràng, xây dựng những câu chuyện có phần cảm động để đánh vào tâm lý nạn nhân, từ đó tránh việc phải gọi video hay giao tiếp với "khách hàng" để tránh bị lộ.

"4 năm trước, lần đó anh đi công tác ở... về thì anh có gọi điện cho vợ và con gái anh ra đón anh tại sân bay, con gái thì nhớ bố nên gọi video call cho anh vừa nói được vài câu thì một chiếc xe tải chở hàng mất lái lao thẳng vào xe vợ anh. Anh mất thời gian dài điều trị trầm cảm, bác sĩ chuẩn đoán anh bị sốc quá dẫn đến bị sang chấn tâm lý vì quá ám ảnh với cuộc gọi video call định mệnh ngày hôm đó. Mỗi khi gọi video call là hình ảnh đó lại hiện ra ngay trước mắt anh, anh đã nhiều lần ném điện thoại đi" - chuyên gia Ngô Minh Hiếu dẫn lại một trong những câu chuyện đẫm nước mắt mà kẻ gian "vẽ" ra nhằm thoái thác khi nạn nhân muốn gọi video xác thực.

Dễ dàng mua bán qua mạng

Theo chuyên gia Ngô Minh Hiếu, những "bí kíp lừa đảo" này có thể được mua dễ dàng trên các nền tảng nhắn tin, đặc biệt là nền tảng Telegram.

Trên các nền tảng này, người dùng có thể được đảm bảo thông tin cá nhân, do đó có thể trở thành một "chợ đen" online để kẻ gian dễ dàng mua bán, trao đổi thông tin.

Việc mua bán trên các nền tảng này cũng không quá khó. Sau khi giao dịch, người mua thậm chí còn có thể nhận kịch bản dưới dạng tin nhắn hoặc file ghi âm hướng dẫn chi tiết.

Giá tiền cho các kịch bản lừa đảo này cũng khá đa dạng. Theo ông Hiếu, giá tiền trung bình cho bản gốc rơi tầm vài trăm triệu cho một kịch bản. Thế nhưng, nếu kịch bản đã cũ và được chia sẻ nhiều trên mạng, giá thành của nó sẽ giảm nhiều, đôi khi còn được chia sẻ miễn phí.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-10T02:26:32Z dg43tfdfdgfd